Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Phú Bình

Phu Binh Plastic Group Joint Stock Company

Nguyên liệu hóa chất đang khan hiếm

Thị trường nguyên liệu hóa chất đang gặp khó khăn về nguồn cung. Thống kê cho thấy, có tới 70-80% lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nước đều là hàng nhập khẩu. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất hóa chất khan hiếm, và khả năng tìm nguồn hóa chất để thay thế của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
 
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật  Việt Nam: Hiện thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam được nhập khẩu từ hơn 40 quốc gia, nhưng nhiều nhất từ Trung Quốc. Trước đây, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 80% tổng sản lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập vào Việt Nam. Còn tại thời điểm này, tuy sản lượng có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước còn nhỏ, chủ yếu là gia công đóng gói đơn giản…
 
 
Ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước khoảng 11 triệu tấn các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm khoảng 90%. Với khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón, Việt Nam được xem là thị trường tiêu thụ lớn đối với các hóa chất sản xuất phân bón vô cơ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhu cầu hóa chất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 9-10%/năm, trong khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng 50%, chủ yếu là các sản phẩm hóa chất thông dụng, phần còn lại phải nhập khẩu.
"Thực tế, hóa chất sử dụng cho ngành công nghiệp không đáp ứng được nhu cầu nội địa và chỉ đủ dùng cho sản xuất thuốc trừ sâu và các loại sản phẩm cơ bản khác. Theo tính toán, mỗi năm có tới 70% nhu cầu urê được nhập khẩu, trong khi amoni phosphate phải nhập hoàn toàn 100%" - ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết thêm.
 
Không riêng gì các DN nội địa trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hay sản xuất phân bón, tình trạng chung của các doanh nghiệp hoá chất trong nước hiện nay năng lực yếu, phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Theo Cục Hóa chất, muốn cạnh tranh với hàng nhập khẩu, giá thành sản phẩm hóa chất trong nước phải rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hóa chất Việt do tốn kém nhiều chi phí nên ra thị trường tiêu thụ khó cạnh tranh với hàng nhập. Do đó, việc kiểm soát chất lượng một số hóa chất nhập khẩu phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn.
 
Bên cạnh đó, đối với hóa chất nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất hiện vẫn còn thiếu chế tài của cơ quan quản lý để kiểm tra chất lượng, phía doanh nghiệp hầu như phải tự có trách nhiệm kiểm soát. Cục Hóa chất cho rằng, các doanh nghiệp hóa chất không thể lơ là, phải nhận thức được mục đích và tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát hóa chất nhập khẩu, để việc quản lý sản phẩm hóa chất tại các doanh nghiệp được chặt chẽ hơn. Riêng với mặt hàng hóa chất cơ bản, đây là ngành cần được ưu tiên phát triển để cung ứng cho công nghiệp hóa chất và nhiều ngành công nghiệp khác, về lâu dài cần được chú trọng phát triển để chủ động nguồn cung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
 
Hiện nay, cần đẩy mạnh các dự án sản xuất hóa chất nội địa phục vụ tiêu dùng, đồng thời khuyến khích sản xuất để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đối với nhóm sản phẩm phân bón, sẽ tập trung vốn đầu tư các nhà máy sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên, than, một số nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ tiên tiến, nhà máy sản xuất DAP. Thuốc bảo vệ thực vật tập trung vào các sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong thời gian tới.
 
Quy hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu, đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam tăng trưởng bình quân 14-16%/năm.

Tin khác